Chỉ vỏn vẹn trong hai câu hát cũng đủ gợi nhớ về một tác phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến giờ vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt. Bản nhạc ấy đã thể hiện phần nào cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ cũng như phản ánh được những khó khăn mang tính thời đại. Đây cũng chính là bản nhạc làm nên tên tuổi cho thể loại âm nhạc đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. “Tài tử” trong đờn ca tài tử là những người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc. Ban đầu, các nghệ nhân chỉ đờn để trình diễn hòa tấu giao lưu, sau xuất hiện thêm hình thức ca nên được gọi là đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào ngày 05/12/2013. Nhờ vào đặc trưng màu giọng và sự kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh nhạc cụ, đờn ca tài tử mang đến một sắc màu miền Nam rõ nét với sự mộc mạc, giản dị mà chân thành cùng những lời ca giàu ý nghĩa. Đờn ca tài tử cũng như con người Nam Bộ, phóng khoáng, hào sảng, chân thành, sâu lắng và thiết tha.