GẠCH GỐM VĨNH LONG – NIỀM TỰ HÀO MANG TÊN VƯƠNG QUỐC ĐỎ

Xưa nay, quê hương Vĩnh Long nổi tiếng với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lâu đời. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mảnh đất ấy bằng những cái tên tráng lệ như “Thủ phủ lò gạch” hay “Vương Quốc gốm đỏ”. Ai đã từng đi qua chốn này, cũng sẽ ấn tượng bởi chất gạch, gốm đặc trưng nơi đây: một phần ở kiểu dáng thể hiện được nét tài hoa của người thợ thủ công vựa lúa phía Nam, phần chính ở chỗ gạch được chăm chút kỹ càng qua từng công đoạn, nét gốm mộc không qua tráng men, có màu đỏ hồng tự nhiên xen lẫn các mảng loang trắng bạc tạo nên sự hấp dẫn độc đáo.

Cái hồn của gạch gốm Vĩnh Long được những người nghệ nhân ấp ủ ngay từ khâu chọn đất. Chất đất đặc biệt được lấy từ những mỏ sét nguyên sinh quý giá, là kết quả hàng trăm năm của dòng phù sa màu mỡ chảy trôi nơi mảnh đất Vĩnh Long hiền hòa. Từ những tảng đất sét tự nhiên, người nghệ nhân sẽ cắt ra thành khối và cho vào máy nghiền. Đất được nghiền nhuyễn pha thêm một lượng nước vừa đủ sẽ tạo độ mềm dẻo, tơi xốp, giúp tạo khối, in hoa văn dễ dàng hơn. Sau khi nghiền nhuyễn, người ta sẽ đóng khuôn gạch, in hoa văn và bắt đầu công đoạn cắt gạch thô. Đây là công đoạn được đánh giá là khó nhất đối với nghề làm gạch truyền thống bởi đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm gạch. Sau đó, những viên gạch được xếp ngay ngắn dưới nắng khoảng 5 ngày để giảm độ ẩm và tăng độ cứng, giúp cho gạch không bị biến dạng trước khi vào lò. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng. Để đảm bảo gạch ‘chín’ vừa đúng, mỗi lò chứa khoảng 15.000 viên, nung trong 20 ngày thì ra thành phẩm.

Đối với các sản phẩm gốm, quy trình chế tác có đôi phần khác biệt. Sau khi lấy đất, người nghệ nhân sẽ thấu đất theo một bí quyết riêng, để đảm bảo được độ nhót, độ cứng cũng như màu sắc của gốm thành phẩm. Sau đó, các công đoạn làm gốm lần lượt là tạo mẫu, làm khuôn và xu gốm. Công đoạn xu gốm giúp cho thành phẩm gốm sau nung có một độ sáng bóng nhất định, với các đường nét họa tiết sắc sảo. Sau khi xu, gốm Vĩnh Long sẽ được qua bàn tay thợ lửa mà không cần tráng men. Kỹ thuật nung xưa nay ở vùng đất này vẫn là một nghề bí truyền: người thợ nung sẽ nắm được chỗ nào lửa cháy mạnh, cháy yếu, chỗ nào nhiệt độ lò ổn định để bố trí sản phẩm nung cho phù hợp.

Trải qua nhiều năm, cho tới tận ngày hôm nay, chất gạch gốm đặc trưng Vĩnh Long vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp đậm nét thời gian của mình. Nếu muốn thử trải nghiệm làm gốm, hay thăm quan những lò gạch cổ nhuốm màu cổ kính, bạn hãy ghé SomoFarm Cửu Long một lần. Chắc chắn bạn sẽ có cho riêng mình những trải nghiệm chẳng thể nào quên. Chúng tôi không chỉ đem đến cho bạn một trải nghiệm tuyệt vời, mà ẩn sâu đâu đó chúng ta cùng nhau góp phần chung tay gìn giữ và quảng bá những nét đẹp truyền thống của quê hương.