Không mang cho mình một cái tên đẹp đẽ, mỹ miều thậm chí còn có phần hơi “thô ráp”, nhưng đối với người miền Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, bánh da lợn đã trở thành một nét đặc trưng trong nền ẩm thực nơi đây. TasteAtlas – trang web được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới” đã xướng tên món bánh da lợn trong danh sách 100 món bánh ngọt ngon nhất trên toàn cầu.
Lớp màu xanh đậm được hòa trộn từ nước cốt dừa, bột năng, bột gạo cùng với hương thơm và màu sắc từ lá dứa. Trong khi lớp màu trắng thì chỉ cần thay nước lá dứa bằng nước lọc là bạn đã hoàn thành hai lớp bánh dẻo bóng. Từng hạt đậu xanh căng đầy được xay nhuyễn và rây lọc sau đó trộn cùng đường, bột năng và nước cốt dừa để ra được phần nhân vàng óng, ngọt bùi. Cứ thế năm bảy lớp bánh với những màu sắc bắt mắt chín mềm chồng lên nhau. Người ta còn thoa thêm lớp dầu dừa hoặc mỡ heo cho mặt bánh láng bóng. Ngoài ra, món bánh Việt dân dã này còn được biến tấu với rất nhiều màu sắc khác nhau như: bánh da lợn đậu xanh, khoai môn, lá dứa, lá cẩm…để tạo nên những miếng bánh “ngũ sắc” vô cùng bắt mắt không những chinh phục vị giác mà cả thị giác của người thường thức. Cùng Somo Farm Cửu Long khám phá cách làm món bánh này nhé:
1. Khâu pha bột:
Trộn đều 250gr bột gạo, 250gr bột năng, 250gr bột nếp, 250ml nước cốt dừa, 100gr đường (căn chỉnh lại tỷ lệ theo lượng bánh mong muốn) vào một âu sau đó chia thành các phần bằng nhau để trộn bột bánh và tạo màu. Tùy vào màu sắc mà bạn yêu thích để tạo nên các lớp bánh đa tầng khác nhau:
Lớp màu vàng: Đậu xanh cho vào ngâm trong nước lạnh 2 tiếng, sau đó xả lại với nước lạnh rồi cho vào xửng hấp chín. Khi đậu xanh chín mềm thì cho vào máy xay, cho thêm 100ml nước lạnh vào rồi xay cho đến khi thấy đậu nhuyễn mịn và đồng đều. Trộn đậu xanh cùng với 1 phần bột đã chia ở trên, khuấy đều cho hỗn hợp mịn đặc lại thành khối bột màu vàng.
Lớp màu tím: Rửa sạch lá cẩm, cho vào nồi đổ ngập nước rồi đun sôi cho đến khi thấy nước chuyển sang màu tím nhạt như ý thì tắt bếp. Dùng rây lọc lấy phần nước cốt lá cẩm rồi đem trộn cùng với 1 phần bột khác để lấy lớp bánh màu tím.
Lớp màu xanh: Rửa sạch lá dứa rồi cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố, đổ thêm 100ml nước rồi xay nhuyễn. Lọc nước cốt lá dứa qua rây, bỏ bã rồi trộn nước dứa cùng với 1 phần bột để lấy màu xanh.
Lớp màu nâu: Cho cà phê pha với nước vào trộn cùng với 1 phần bột, khuấy đều cho hỗn hợp tan và mịn.
Lớp màu trắng: Phần bột còn lại bạn khuấy đều cùng nước cốt dừa cho đến khi thấy bột đều mịn, đồng nhất là được.
2. Khâu hấp bánh:
Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi nước. Quét một lớp dầu ăn mỏng lên khuôn để bánh không bị dính khuôn. Lần lượt đổ các lớp bột bánh lên trên theo ý thích, tuy nhiên lớp bột bánh màu vàng pha bởi đậu xanh thường dùng làm nhân bánh ở lớp giữa sẽ thơm ngon hơn.
Mỗi lớp bột đổ khoảng 0.5cm, sau đó đậy nắp xửng hấp lại trong khoảng 2 phút cho bột bánh chín rồi mới đổ lớp bột thứ hai. Thực hiện tương tự như vậy cho đến khi hết các lớp bột bánh đã chuẩn bị.
3. Hoàn thành và thưởng thức
Sau khi bánh chín, bạn chỉ cần bắc ra khỏi nồi và đợi bánh nguội là có thể thưởng thức được, Hoặc bạn có thể để vào tủ lạnh để bánh lạnh sẽ ăn ngon hơn và bảo quản bánh được tốt hơn.
Thức quà đặc sản truyền thống của người dân Cửu Long từ trăm năm nay đã được thế giới biết đến và vinh danh. Thứ bánh dân giã từ trẻ con đến người già, người ăn chay hay ăn mặn đều thích mê. Mà có lẽ cũng vì thế mà giữa hàng trăm loại bánh tây ta đủ loại khác, bánh da lợn luôn có mặt và gắn bó lâu nay với đời sống văn hóa của người bình dân miền Tây sông nước chân chất, thật thà.